Tu hành là tu cái gì? Không gì khác hơn, buông bỏ mà thôi. Chân thật chịu buông bỏ, từ nơi phương hướng lớn chúng ta tường tận rồi, thế nhưng ở trên tế hạnh, từng ly từng tí, chúng ta phải có thể vận dụng được. Thí dụ mặc áo ăn cơm có chấp trước hay không? Hôm nay muốn lựa vài món vừa miệng, cơm rau ngon, có được không? Không được! Vì sao không được vậy? Loại ý niệm này giúp cho tâm tham của bạn thêm lớn, chính là tập nhân trong tam nhân mà phía trước đã nói.
Phải có thái độ như thế nào? Tuỳ duyên! Nghĩ đến Thích Ca Mâu Ni Phật khi xưa còn ở đời, đời sống của ngài là ra bên ngoài khất thực, cho thứ gì ăn thứ đó, không có phân biệt, không có chấp trước, Phật làm ra tấm gương cho chúng ta xem.
Ngày nay ba bữa cơm của chúng ta có người làm thay, họ làm thứ gì thì chúng ta ăn thứ đó, không có chút phân biệt, đó là gì? Đó gọi là tu hành, đó gọi là phá chấp. Ăn cơm phá chấp trước, uống trà phá chấp trước, không nên chú trọng loại trà này loại trà kia. Có rất nhiều người khi uống trà tương đối chấp trước đối với phẩm trà. Tôi cũng có rất nhiều người tặng cho tôi những loại trà này, thế nhưng tôi thường hay nghĩ họ tặng cho tôi tặng thật oan uổng, vì sao vậy? Tôi không hiểu phẩm chất của trà, tôi thấy đều như nhau, tôi không biết loại lá trà nào tốt, loại lá trà nào không tốt, tôi không biết, không nghĩ đến những thứ này, không bận tâm những thứ này, tất cả đều tốt. Mặc quần áo, chính tôi gần như không có mua quần áo, từ lúc xuất gia đều là mặc đồ của người khác. Khi mới xuất gia là mặc quần áo cũ của những vị hoà thượng, họ có quần áo mới không mặc quần áo cũ nữa, chúng tôi liền lấy quần áo cũ về mặc, còn có miếng vá, năm đầu xuất gia bạn xem quần áo của tôi đều có miếng vá. Bách Nạp Y, người ta tặng thứ gì thì mặc thứ đó, chỉ cần vừa dặn thì tốt, nếu không vừa dặn thì sửa lại một chút, không có lựa chọn, không có cầu kỳ. Ở ngay trong đời sống này, mặc áo ăn cơm uống nước, đối nhân xử thế tiếp vật, không có thứ nào không tốt, ở ngay trong đó thường sanh tâm hoan hỉ.
Với cái ăn, ăn được no thì tốt rồi, quần áo mặc được ấm là được, không cầu kỳ bất cứ thứ gì. Người tại gia học Phật cũng vậy. Năm đầu có đồng tu nói với tôi, dường như họ không có chọn lựa, đạm bạc qua ngày, mặc đi ra người khác cười ngạo. Tôi thành thật nói với họ người khác không có cười anh, là chính anh đang khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, người ta cười anh vào lúc nào? Nếu thật là đang cười ngạo anh, thì họ đang tạo nghiệp, anh đang nâng cao cảnh giới, vậy làm sao giống nhau chứ? Cho nên nói mặc cái thứ này ra đường người ta cười chết, tôi liền nói với họ, cười chết là họ chết, chứ không phải anh chết, họ chết là đúng, có liên quan gì với anh? Anh không cảm thấy khó coi thì được rồi.
Cho nên quần áo mặc được sạch sẽ, mặc được giản dị thì tốt! Một bộ quần áo chí ít có thể mặc được tám đến mười năm, cho nên bạn không cần phải mất thời gian đi chọn quần áo, không cần phải tốn món tiền này, có thể tiết kiệm lại, đời sống rất tự tại, trà thô cơm nhạt, hân hoan vui vẻ, trong nhà Phật nói rất hay “thường sanh tâm hoan hỉ”.
Cho nên người xưa nói rằng “lo buồn khiến cho người già”, bạn không có lo buồn, bạn không có phiền não, bạn không có phân biệt, chấp trước, bạn liền có thể trẻ mãi không già, tuổi tác tuy là thêm lớn, thân thể của bạn sẽ không suy yếu. Tuổi tác lớn rồi, thân thể suy yếu, vì sao vậy? Là phân biệt, chấp trước quá nhiều, vọng niệm quá nhiều, thứ này có thể làm cho người ta già đi. Bạn không có vọng niệm, không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, người làm sao già chứ? Cho nên đó là nói đến cái đạo dưỡng sanh, đều phải dựa vào trí tuệ. Trí tuệ đức tướng đều là trong tự tánh chính mình vốn sẵn đầy đủ. Biết được khởi tâm động niệm phân biệt chấp trước là chướng ngại, cái thứ này phá hư đi đức tướng trong tự tánh của chúng ta, không phải do nhân tố khác, đó là do chính mình.
Chính mình có thể buông bỏ phân biệt, chấp trước, cảnh giới bên ngoài không có chút liên quan gì đối với chúng ta, đó là thành tựu Bát Nhã. Phiền não của bạn nhẹ, trí tuệ thêm lớn, phiền não không còn, trí tuệ liền hoàn toàn hiển lộ.
Lão Pháp Sư TỊNH KHÔNG
A DI ĐÀ PHẬT !
No comments:
Post a Comment