Láng giềng tôi có bác Trương ưa luyện khí công, còn dùng khí công để chữa bịnh cho người. Nhưng ông trị người không hết mà bản thân cũng bị bệnh quấy nhiễu. Ông chóng mặt đã 3, 4 năm nay. Uống thuốc trị liệu gì cũng không kết quả. Ông nói: - Đầu tôi xây xẩm giống như mới vừa uống hai bình rượu vậy!
Nhân duyên hội đủ, ông đến gặp Hòa thượng Diệu Pháp, năn nỉ Ngài vận khí công trị bệnh cho ông.
Sư phụ cười nói:
- Tôi không thể vận khí công để trị bệnh đâu, mỗi người mắc bệnh đều có nguyên nhân. Tôi có thể nói rõ nguyên nhân vì sao ông chóng mặt. Còn chuyện bệnh hết hay không thì tùy thuộc vào ông. Đây cũng là đạo lý mà Phật nói: “Mệnh tự ta lập” – Thí như do ông không hiểu chuyện mà làm sai việc gì đó đem lại thống khổ phiền não cho mình và người. Nếu ông gặp được thiện tri thức, giải thích và chỉ ra nguyên nhân. Một khi ông hiểu rõ và nhận ra chỗ sai của mình, cố gắng sửa đổi, thì phiền não và thống khổ sẽ biến mất không còn. Bởi vì Phật pháp không phải để cho người mê tín Phật, Bồ-tát, hay một cao tăng nào đó, mà là để mỗi người đều có thể hoạch đắc trí huệ. Tự mình cải tạo số mệnh của mình.
Bác Trương suy nghĩ một hồi rồi gục gặc đầu.
Hòa thượng nói tiếp:
- Ông bị chóng mặt, là do 3, 4 năm trước ông từng làm tổn hại một ổ chuột con. Có việc này không?
Bác Trương hồi tưởng lại và nói:
- Dạ có, có việc này ạ. Sư phụ! Ngài quả có đại thần thông! Cách đây ba năm, một hôm con vào kho chứa đồ và phát hiện có ổ chuột con mới sinh độ chừng 6, 7 con. Đệ tử nhát lắm, chẳng biết làm sao cho chúng chết, bèn bỏ chúng trong cái lồng, gắng sức lắc mạnh. Lắc một hồi lâu, con nghĩ là chúng đã chết liền đem quăng ra bãi rác. Ô! Việc như thế mà liên quan tới chứng chóng mặt của con sao?
- Đúng vậy, ổ chuột đó không bị ông lắc chết mà chỉ bị ông làm cho chóng mặt thôi. Nhân nào quả đó. Đây là nguyên nhân vì sao ông chóng mặt.
Bác Trương lẩm bẩm một mình: -“Ngài phán rất đúng. Con từ lúc đó về sau bắt đầu chóng mặt. May là bầy chuột chưa chết, nếu mà chúng nó chết rồi thì không biết con đền mạng tới đâu nữa?”…
- Đúng vậy, sát sinh sẽ làm giảm thọ mệnh, bằng không thì ngay đời này cũng gặp tai nạn hoạnh ương. Động vật sở dĩ có thể bị giết, cũng là do kiếp trước nó từng gieo nhân sát sinh nên đời nay mới bị quả báo như thế.
Phần chúng ta, đời này giết hại chúng nó tức là đang vay nợ mạng, cứ thế nhân quả tuần hoàn, oan oan tương báo, không bao giờ hết. Vì vậy mà phàm phu chúng ta cứ luân hồi trong lục đạo không có ngày ra. Chỉ có liễu giải Phật pháp, tin sâu nhân quả, ngưng ác hành thiện, thì mới có thể thoát ly biển khổ sinh tử. Thế nào, từ rày ông còn muốn sát sinh chăng?
Bác Trương đang ngồi sợ đến ngẩn ngơ, nghe Hòa thượng hỏi, vội đáp:
- Từ rày về sau con chẳng dám sát sinh nữa.
Nói xong ông hoan hỷ mách:
- Bạch sư phụ, đầu con đột nhiên tỉnh táo rồi, không choáng chút nào cả.
Người chung quanh đều cười.
Bác Trương thắc mắc nói tiếp:
- Nhưng mà, loài chuột hại sâu, cắn phá tài vật của người, thậm chí truyền bệnh dịch hạch…nếu như không giết nó, tương lai nó sinh sản lan tràn làm sao?
- Trọn cả tổng thể, từ lớn như vũ trụ và nhỏ tợ vi trần, bao gồm tất cả chủng loại sinh mệnh…đều có quy luật vận hành và thời gian tồn tại. Nếu con người có “sinh, lão, bệnh, tử”, thì vật có “thành, trụ, hoại, không”…cho dù là núi, sông, biển cả, hoa cỏ, hạt sương…Chỉ cần “có hình thành, là có hoại diệt”. Thế nhưng, cách hoại diệt hay “chu trình sinh tử” này tự có quy luật của nó! Nếu chúng ta coi thường quy luật tự nhiên, mặc tình phá hoại theo lý luận và ý thích ngu muội của mình, tất nhiên sẽ chiêu lấy ác quả bất kham, khó thể tưởng tượng!
Thí như chúng ta vì những lợi ích trước mắt, cho phá rừng nổ đá, khiến rừng bị hủy hoại, núi bị sạt lở và cây cối loài vật trong rừng bị tàn hại…tất cả việc làm thiếu ý thức này của chúng ta sẽ dẫn đến hậu quả là địa cầu bị ngập nước, khí hậu thay đổi, lũ lụt phát sinh…Ông không thấy số lượng cây rừng bị chặt phá quá nhiều, động vật bị săn giết thảm đến nhiều loài phải mất tích hoặc tuyệt diệt. Loài chuột cũng có rất nhiều kẻ thù trong thiên nhiên như: rắn, mèo, diều hâu, chim ưng, chim ó…Có thể những kẻ thù thiên nhiên này cũng bị nhân loại chúng ta giết hại ăn thịt hoặc lột da làm y phục, trang sức. Do vậy mới có câu: “Thiên tai là chính do nhân họa tạo thành.”
Hòa thượng ngừng một lát rồi nói:
- Tôi bày ông một cách có thể diệt trừ nạn chuột, ông có muốn thí nghiệm thử không?
Mọi người đều nhìn Hòa thượng chăm chăm. Ngài mỉm cười giải thích:
- Trước tiên phải biết chuột cũng là loài động vật hữu tình, cũng có mẹ sinh đẻ, dưỡng nuôi. Chúng cũng giống trâu, ngựa, mèo, chó, một số có thể nghe hiểu tiếng người. Khi ông hiểu rõ đạo lý không sát sinh rồi, ông có thể hằng ngày chuẩn bị những thức ăn dư thừa cho nó, đặt ở nơi mà chuột thường ẩn hiện và nói nhỏ: “Bản thân tôi ngày trước chưa hiểu Phật pháp nên đã giết hại rất nhiều chuột, bây giờ tôi đã rõ đạo lý, từ nay về sau nhất định chẳng sát sinh nữa. Tôi vẫn muốn tụng kinh cầu siêu cho loài chuột từng bị giết. Hy vọng chuột sẽ không cắn phá đồ vật trong nhà người”…Chỉ cần ông thành tâm thành ý làm như thế, nhất định sẽ thấy kết quả.
Thậm chí một ngày kia, chuột sẽ dời ổ, bỏ đi.
Buổi nói chuyện của Sư phụ đã khiến chúng tôi mắt tai như đổi mới. Sau đó, phương pháp này lần lượt được thí nghiệm, kết quả rất tuyệt. Còn có người trong nhà bị nhiều kiến, họ cũng áp dụng phương thức này và nói rất linh nghiệm.
- Không tin ư? Thế thì bạn hãy thí nghiệm đi!
Trích trong "Báo ứng hiện đời tập 1"
Tác giả: Quả Khanh
Hạnh Đoan biiên dịch
Tác giả: Quả Khanh
Hạnh Đoan biiên dịch
No comments:
Post a Comment